BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Quyết định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của người trong độ tuổi gen Z và trung niên

(Cập nhật: 11/4/2024 10:10:15 AM)

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phát hiện sự khác biệt trong việc quyết định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của Gen Z và người trung niên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dữ liệu có được từ khảo sát từ 286 đối tượng người trung niên và 214 đối tượng Gen Z trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả cho thấy sự hữu dụng (U), niềm tin (T), ảnh hưởng xã hội (IS) có tác động tích cực. Ngược lại, thói quen sử dụng tiền mặt (CH) cho tác động tiêu cực đến quyết định thanh toán không dùng tiền mặt của Gen Z và người trung niên. Đối với 2 nhóm tuổi có sự tương đồng về chiều tác động của nhân tố tới quyết định của 2 nhóm tuổi là khác nhau, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của mỗi nhân tố lại có sự khác nhau.

1. Đặt vấn đề

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là một cộng đồng ở đó hình thức thanh toán được tích hợp giữa thanh toán kỹ thuật số và tiền mặt. Đây là một phong trào hoặc hệ thống được thiết kế để khuyến khích và hỗ trợ việc sử dụng các phương tiện thanh toán kỹ thuật số thay vì tiền mặt trong các giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ. Ở Việt Nam, nếu vào năm 2012, hơn 90% giao dịch thanh toán tại Việt Nam ưa thích thanh toán bằng tiền mặt hơn thanh toán trực tuyến (Trần Thị Thu Ngân, 2021) thì đến năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022 (Kim Ngân, 2024). Điều này cũng sẽ góp phần giúp giảm nhiều chi phí liên quan đến việc sản xuất và lưu thông tiền mặt, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn của xã hội, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và lưu thông tiền tệ phát triển. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cần hiểu rõ những nhân tố ảnh hưởng liên quan đến hành vi của người tiêu dùng tới quyết định lựa chọn, cũng như mức độ sử dụng phương thức thanh toán này. Bằng việc áp dụng mô hình chấp nhận công nghệ (TAM), nhóm tác giả đã khám phá và làm rõ sự khác biệt trong các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định này giữa 2 nhóm tuổi Gen Z và người trung niên, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Tổng quan nghiên cứu

TTKDTM bao gồm các dịch vụ internet banking, QR code, ví điện tử và rất nhiều các hình thức khác giúp thực hiện thanh toán mà không cần thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. TTKDTM giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số - nền kinh tế vận hành dựa trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là sử dụng mạng Internet để tiến hành các giao dịch điện tử (Nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford).

Lý thuyết về mô hình chấp nhận công nghệ (TAM)

Lý thuyết này cho rằng thái độ sẽ thúc đẩy bởi niềm tin và thái độ sẽ thúc đẩy ý định dẫn đến hành vi thực tế (Fishbein và Ajzen, 1975). Mô hình này cho thấy khả năng chấp nhận của một hệ thống thông tin được xác định bởi hai yếu tố chính: nhận thức tính hữu ích (PU) và nhận thức dễ sử dụng (PEOU). Ý định được xem là tiền đề trực tiếp dẫn đến hành vi sử dụng công nghệ trong mô hình TAM. Nghiên cứu của Zhang và cộng sự (2012) cũng khẳng định ý định sử dụng là một cái khái niệm rất quan trọng trong nghiên cứu hành vi và cũng là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hành vi tiêu dùng thực tế.

Chính vì vậy, lý thuyết này được áp dụng rất phổ biến trong các nghiên cứu liên quan các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới và cả trong nước. 

Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy ý định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt chịu ảnh hưởng của: nhận thức về sự hữu ích, mức độ phổ biến, mức an toàn, độ tin cậy. (Trần Thị Khánh Trâm (2022), Laurn và Lin (2005); Alalwan và cộng sự (2018); Schierz và cộng sự (2010), Liu và cộng sự, (2008)). Ở mỗi nhóm tuổi cũng có sự khác biệt trong quyết định TTKDTM: Gen Z dễ tiếp cận và thành thạo công nghệ nhanh hơn Gen Y; Gen Z cũng có sự kỳ vọng cao hơn với kết quả nhận được khi sử dụng công nghệ, còn Gen Y thì quan tâm nhiều đến độ tin cậy cũng như tính bảo mật… Bên cạnh đó, một số nghiên cứu lại đưa ra các yếu tố khác tác động đến ý định sử dụng phương thức TTKDTM như ảnh hưởng của các đặc điểm dân số như tuổi tác, giới tính, thu nhập (Yang và cộng sự, 2009); ảnh hưởng của xã hội và điều kiện sử dụng (Venkatesh và cộng sự, 2000). Tuy nhiên, cũng có các nghiên cứu cho thấy sự tác động tiêu cực đến quyết định sử dụng TTKDTM của các yếu tố về rủi ro, chi phí, dễ sử dụng (Suoranta và cộng sự, 2005; Koening - Lewis và cộng sự, 2010) do sự lan truyền mất kiểm soát về nội dung đăng tải trên các kênh truyền thông gây hoang mang dư luận.

Ở Việt Nam, mặc dù một vài nghiên cứu đã có sự so sánh giữa các nhóm tuổi nhưng đa số chỉ tập trung vào một phương thức thanh toán của TTKDTM như ví điện tử (Mai Thị Thu Hoà và cộng sự (2023), Nguyễn Trung Hiếu (2022)). Ở nghiên cứu này, nhóm tác giả hướng đến TTKDTM nói chung, bao gồm tất cả các phương thức.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở tổng quan nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu đã tìm hiểu trước đó, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng TTKDTM (Hình 1).

 

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu khảo sát trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2024 tới ngày 15/4/2024 từ 286 đối tượng người trung niên và 214 đối tượng Gen Z trên địa bàn thành phố Hà Nội theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện bằng bảng hỏi và câu hỏi chi tiết. Sau đó tiến hành kiểm định các giả thuyết nghiên cứu trên phần mềm SPSS.

4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định tính phù hợp của thang đo

Các thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0.6 và nhỏ hơn 0,95, do đó nhóm đánh giá thang đo tốt. Các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 và đều nhỏ hơn giá trị Cronbach’s Alpha chung. Các nhân tố đều phù hợp để nghiên cứu.

Kết quả phân tích nhân tố khám phá đối với Gen Z

Chỉ số KMO = 0.807. Hệ số sig. = 0.000. Vì vậy, thỏa mãn yêu cầu của phân tích nhân tố.

Kết quả phân tích nhân tố khám phá đối với người trung niên

Chỉ số KMO = 0.799. Hệ số sig. = 0.000. Vì vậy thỏa mãn yêu cầu của phân tích nhân tố.

Ma trận xoay EFA cũng cho kết quả đảm bảo tính hội tụ và phân biệt ở mức độ tốt, vì thế có thể kết luận các thang đo trong nghiên cứu phù hợp với mô hình lý thuyết và có chất lượng, có thể sử dụng để phân tích mô hình hồi quy.

Phân tích mô hình hồi quy

 

(***: có ý nghĩa thống kê <0.001)

Nguồn: Kết quả từ phần mềm SPSS

Từ kết quả nghiên cứu định lượng thể hiện trong Bảng 1, rút ra một số kết luận sau: Nhân tố “Ảnh hưởng xã hội (SI)” là nhân tố có vai trò quan trọng nhất, tác động tích cực tới quyết định sử dụng TTKDTM. Thứ tự mức độ tác động từ mạnh nhất tới yếu nhất của các biến độc lập tới biến phụ thuộc là:

- Gen Z: SI (0.429) > T (0.415) > U (0.222) > CH (-0.154).

- Người trung niên: SI (0.473) > T (0.365) > U (0.106) > CH (-0.083).

5. Kết luận và khuyến nghị

5.1. Kết luận

Nhìn chung, cả Gen Z và người trung niên đều là những đối tượng tiềm năng trong quá trình phát triển và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, ở Gen Z, thói quen sử dụng tiền mặt được coi là dễ thay đổi hơn nhóm người trung niên do họ là một thế hệ mới và có thể dễ dàng tiếp cận với công nghệ số hiện đại. Đồng thời mức độ sử dụng dịch vụ thanh toán này ở gen Z còn chịu sự tác động mạnh mẽ từ xã hội và nhận thức về tính hữu dụng cao hơn tác động cùng yếu tố đối với nhóm người trung niên. Bên cạnh đó, các đặc điểm nhân khẩu được xem xét cũng cho thấy, ở Gen Z, phần lớn sinh viên có ý định sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử này nhiều hơn những nhóm nghề khác; ở nhóm người trung niên, đa số những người làm kinh doanh sẽ sử dụng dịch vụ thanh toán tiện lợi này và coi đây như một hình thức thanh toán chính khi thực hiện các giao dịch đối với khách hàng của mình, các nhóm nghề khác có sử dụng nhưng ít thường xuyên hơn. Đây là một đóng góp mới trong việc thúc đẩy dịch vụ TTKDTM ở Gen Z và người trung niên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

5.2. Một số khuyến nghị

Một là, tăng cường trải nghiệm của người dùng trong TTKDTM.

Thanh toán điện tử không phải là một hình thức thanh toán quá mới mẻ, nhưng cũng chưa hoàn toàn phổ biến đối với người sử dụng. Điều mà các bên cần làm đó là tăng mức độ nhận diện của hình thức thanh toán này, bằng cách cho họ tham gia trải nghiệm thực tế trong một khoảng thời gian cụ thể, sau đó thu thập và cải thiện các dịch vụ bị đánh giá là không hài lòng từ đại đa số khách hàng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên đưa ra các chính sách dành riêng cho người tiêu dùng lựa chọn sử dụng dịch vụ thanh toán này. Ngoài ra, các ngân hàng, hệ thống quản lý của các phương thức TTKDTM cũng cần nâng cấp hệ thống công nghệ, tự động xử lý các lỗi trong giao dịch và nâng cao chất lượng hỗ trợ khách hàng qua hệ thống Trung tâm liên lạc; từ đó thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với khách hàng thông qua các phương tiện truyền thông.

Hiện nay, thói quen tiêu dùng của khách hàng đang duy trì theo 3 phương thức, đó là: mua tại chợ truyền thống, mua online và mua tại các hệ thống siêu thị. Nếu khách hàng chỉ mua đồ ở chợ truyền thống sẽ chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt. Mua tại hệ thống siêu thị chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt hoặc ATM. Còn nếu mua online có thể thanh toán bằng chuyển khoản. Trước nhu cầu mua sắm online hiện nay, việc sử dụng mobile banking là một tất yếu. Do vậy, ngân hàng và các bên liên quan khác nên có chính sách thay đổi tư duy, thói quen thanh toán bằng tiền mặt của khách hàng. Tăng cường tính trải nghiệm để khách hàng cảm thấy hài lòng với những lợi ích mà dịch vụ mang lại, từ đó sẽ cảm thấy thích thú khi sử dụng dịch vụ.

Hai là, gia tăng phương thức truyền thông.

Đối với đối tượng Gen Z (đặc biệt là sinh viên): các đơn vị quản lý nên có những buổi hội thảo giới thiệu về dịch vụ TTKDTM ở các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sinh viên là những người tiếp nhận tri thức mới, chính họ sẽ là những người truyền tải thông tin đến bố mẹ, người thân trong gia đình - những người thuộc nhóm đối tượng trung niên. Và cũng chính họ sẽ là những đối tượng sử dụng tiềm năng trong tương lai.

Đối với người trung niên - công nhân viên, người lao động: đây là những người ít giao dịch điện tử hơn, đặc biệt là những người ít được đào tạo về công nghệ, nên họ ít quan tâm đến các dịch vụ công nghệ số hơn. Do vậy, các ngân hàng, hệ thống quản lý, chính phủ… nên chú trọng những buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm tại các khu công nghiệp, ngày hội TTKDTM. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo tính chuyên nghiệp, uy tín, an toàn.

Ba là, cần có chiến lược marketing phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Sự cách biệt về thế hệ và khác biệt về giới tính trong sự ảnh hưởng của các nhân tố đối với mức độ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho thấy các đơn vị cung cấp và quản lý hệ thống TTKDTM  cần có các chiến lược kinh doanh phù hợp đối với từng thế hệ và giới tính.

Để tăng cường ảnh hưởng của xã hội, niềm tin và tính hữu dụng đến ý định sử dụng TTKDTM: các đơn vị liên quan nên hướng đến những người trẻ tuổi và nam giới. Nhóm khách hàng này có ảnh hưởng mạnh. Khi đối tượng là những người trẻ tuổi và nam giới, các bên liên quan cần làm rõ những tiện ích, lợi ích mà người dùng nhận được khi sử dụng dịch vụ thanh toán này để có thể làm tăng trải nghiệm đối với người dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Mai Thị Thu Hòa và cộng sự (2023), Các yếu tố tác động đến ý định tiếp tục sử dụng Ví điện tử của thế hệ Y và thế hệ Z tại Việt Nam như thế nào, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thống Việt - Hàn.

2. Nguyễn Trung Hiếu (2022), Hành vi dự định sử dụng e-banking, e-wallet của khách hàng gen Y và gen Z tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Công Thương, 11, 256 - 281.

 3. Trần Thị Khánh Trâm (2022), Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ở các huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển.

4. Trần Thị Thu Ngân (2021), Thanh toán không dùng tiền mặt - Sự lựa chọn an toàn trong giao dịch trên thị trường, Tạp chí Cộng sản.

5. Kim Ngân (2024), Thanh toán không tiền mặt tăng trưởng gần 50% trong năm 2023, Truy cập tại <https://cafef.vn/thanh-toan-khong-tien-mat-tang-truong-gan-50-trong-nam-2023-188240105094303409.chn>

6. Suoranta, M., Mattila, M., & Munnukka, J. (2005). Technology-based services: a study on the drivers and inhibitors of mobile banking, International Journal of Management and Decision Making, 6(1), 33-46.

7. Venkatesh et. al, (2003). User acceptance of information technology: Toward a unified view. MIS Quarterly, 27: 425-478.

8. Yang, A. S. (2009), "Exploring adoption difficulties in mobile banking services", Canadian Journal of administrative sciences, 26(2), 136.

9. Alalwan, Ali Abdallah, (2018). "Investigating the impact of social media advertising features on customer purchase intention”, International Journal of information management

10. Fishbein, M., and Ajzen, I. (1975). Belief, Attitude, Intention, and Behavior: An Introductionto Theory and Research. Reading, MA:Addison-Wesley.

11. Schierz, P.G. & Al. (2010). “Understanding consumer acceptance of mobile payment services: An empirical analysis”, Electronic Commerce Research and Applications, 9, 209-216

 12. Koenig Lewis, N., Palmer, A., & Moll, A. (2010). Predicting young consumers' take up of mobile banking services, International journal of bank marketing, 28(5), 410-432.

13. Lee, K. C., và Chung, N. (2009), "Understanding factors affecting trust in and satisfaction with mobile banking in Korea: A modified DeLone and McLean's model perspective", Interacting with computers, 21(5-6), 385-392

14. Liu et al., (2008), Design framework for mobile learning, Giáo dục (wmute 2008)

15. Luarn, P. and Lin, H.H. (2005) Toward an Understanding of the Behavioral Intention to Use Mobile Banking, Computers in Human Behavior, 21(6), 873-891

Comparative Analysis of Cashless Payment Decision-Making: Gen Z Versus Middle-Aged Adults

PHD. NGUYEN THI VU KHUYEN

LE GIA BAO

NGUYEN THI QUNH

TRANH BINH MINH

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Abtract:

This study was conducted to detect differences in the decision to use Cashless payments of Gen Z and middle-aged people in Hanoi. Survey data from 286 middle-aged subjects and 214 Gen Z subjects in Hanoi. The results show that Usefulness (U), Trust (T), and Social Influence (IS) have positive effects. On the contrary, the habit of using cash (CH) has a negative impact on the cashless payment decision of Gen Z and middle-aged people. For the two age groups, there are similarities in the direction of impact of factors on the decisions of the two age groups, but the level of influence and importance of each factor is different.

Đề tài Quyết định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của người trong độ tuổi gen Z và trung niên do TS. Nguyễn Thị Vũ Khuyên - Lê Gia Bảo - Nguyễn Thị Quỳnh - Trần Bình Minh - Nguyễn Thị Như (Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện.

(Tạp chí Công Thương)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • DOMI giới thiệu về sự phát triển của các tổ chức khoa học - công nghệ ngoài công lập ( Đơn vị 81)
    • Vietnam CEO Forum 2018   Chuyên đề 1  Đại cơn sóng công nghệ toàn cầu  Cơ hội & thách thức
    • Albert Antoine - Nhân sự trong chuyển đổi số
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38955
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 8053
  • Liên kết đối tác
    • Cac chuong trinh dao tao