Lương hưu lao động khối tư nhân tính cả quá trình đóng BHXH, trong khi khu vực nhà nước tính bình quân các năm cuối nên có sự chênh lệch,
Ý kiến được công nhân Vũ Thị Hiền, làm việc tại Công ty may mặc Quảng Việt ở huyện Củ Chi, nêu tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu đơn vị 10 Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, sáng 5/5. Đây là buổi tiếp xúc chuyên đề do Liên đoàn lao động thành phố phối hợp tổ chức để nghe ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật nhà ở.
Công nhân Vũ Thị Hiền nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc với Đại biểu quốc hội. Ảnh: Lê Tuyết
Theo nữ công nhân, cách tính lương hưu hiện có sự phân biệt giữa người lao động khối tư nhân và cán bộ, công chức. Với người làm nhà nước, tùy vào thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội mà lương hưu sẽ được tính dựa trên bình quân các năm cuối là 5-10-20 năm. Chỉ những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025, sau này khi hết tuổi lao động, lương hưu mới được tính dựa trên toàn bộ thời gian đóng. Trong khi đó, với người lao động từ trước đến nay, lương hưu đều tính dựa trên toàn bộ thời gian tham gia mà không có lộ trình điều chỉnh.
Chị Hiền ví dụ nếu hai người cùng đi làm vào năm 2000 và về hưu vào năm 2035. Với người làm nhà nước, lương hưu sẽ được tính bình quân 6 năm cuối. Do lương tăng theo thâm niên nên cách tính này có lợi, trợ cấp hưu trí cũng cao. Trong khi đó, nếu là người lao động, lương hưu tính bình quân cả quá trình 35 năm. Từ năm 2008 trở về trước lương công nhân rất thấp, chỉ vài trăm nghìn đồng, dù có được bù trượt giá nhưng vẫn thấp hơn tính bình quân các năm cuối.
"Để công bằng cần điều chỉnh cách tính lương hưu của lao động khối tư nhân theo lộ trình tương tự như người làm nhà nước", nữ công nhân kiến nghị.
Tùy vào thời điểm tham gia bảo hiểm xã hội, lương hưu của cán bộ, công chức viên chức nhà nước sẽ được tính dựa vào 5-20 năm cuối, trong khi người lao động khu vực tư tính cả quá trình tham gia. Đồ họa: Tiến Thành
Trước đó, trả lời VnExpress , ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội Quốc hội), cũng cho rằng có sự không công bằng trong chính sách lương hưu giữa hai khu vực công và tư. Ví dụ ở khối nhà nước theo lộ trình, tùy vào thời điểm tham gia mà lương hưu được tính bình quân 5 năm cuối và hiện nay là 10 năm. Tuy nhiên, ở khu vực có quan hệ lao động lại tính cả quá trình.
"Kiểu gì thì lương hưu của anh được tính 10 năm cuối cũng cao hơn anh tính 30 năm. Điều này là bất bình đẳng, dẫn đến người lao động ganh tỵ với khối nhà nước", ông Lợi nói. Do đó, trong chi trả lương hưu cần tính đến nguyên tắc sẻ chia để không dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa các nhóm hưởng.
Luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng. Muốn hưởng mức tối đa 75%, lao động đóng 30-35 năm. Với thời gian tham gia thừa, lao động sẽ được nhận trợ cấp một lần với mức chi trả mỗi năm đóng là nửa tháng lương.
Tại buổi tiếp xúc, các công nhân cũng cho rằng cần tính lại mức chi trả cho khoản thời gian đóng thừa sau khi đã được mức lương hưu tối đa.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết sẽ tiếp thu ý kiến người lao động khi thảo luận xây dựng luật Bảo hiểm xã hội ở Quốc hội. Theo kế hoạch, việc góp ý cho dự luật kết thúc vào tháng 5, Ban soạn thảo sẽ trình Chính phủ tháng 6. Dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 để thảo luận và cho ý kiến, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.