BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Chính sách tiền lương ở Việt Nam - những chặng đường cải cách

(Cập nhật: 5/20/2019 11:13:42 AM)

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra mục tiêu: Cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với tăng năng suất lao động. Thực hiện điều chỉnh

1. Các đợt cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam

Cải cách tiền lương giai đoạn 1960-1984

Trước năm 1960, vấn đề tiền lương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được quy định trong các sắc lệnh: Sắc lệnh số 10-SL Về việc tạm thời áp dụng các văn bản pháp luật của chế độ cũ để  lại; Sắc lệnh số 29 ngày 12/3/1947 Quy định chế độ lao động trong toàn cõi Việt Nam. Sau hòa bình lập lại, những yêu cầu đặt ra trong việc sửa đổi chế độ tiền lương đối với người lao động tại miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1957 và chính thức được triển khai vào năm 1960, sau khi hoàn thành cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong đợt cải cách này, mức tiền lương cụ thể cho từng loại công việc, thời gian trả, hình thức trả lương, nâng bậc lương và các vấn đề khác liên quan đều do Nhà nước định sẵn thông qua hệ thống các bậc lương và phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Vấn đề tiền lương tối thiểu được Chính phủ giới hạn trực tiếp bằng việc quy định cụ thể các mức lương trong các ngành. Trong mỗi ngành đều có mức lương thấp nhất (mức lương bậc một - mức lương khởi điểm) được trả cho người lao động ứng với công việc đòi hỏi trình độ và cường độ lao động thấp nhất.

Ngày 5/7/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 25/CP quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp. Theo đó, chế độ lương của cán bộ, viên chức công tác ở các cơ quan hành chính sự nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc: mức lương của cán bộ lãnh đạo cao hơn mức lương của cán bộ, nhân viên bị lãnh đạo; mức lương có chức vụ yêu cầu cao về kỹ thuật, nghiệp vụ cao hơn mức lương của chức vụ có kỹ thuật, nghiệp vụ đơn giản hơn; mức lương của lao động trong điều kiện khó khăn, hại sức khỏe cao hơn mức lương của lao động trong điều kiện bình thường; cán bộ, viên chức đang làm chức vụ gì thì xếp lương theo chức vụ ấy, khi chức vụ thay đổi thì bậc lương cũng thay đổi theo.

Một trong những điểm nhấn của chính sách cải cách tiền lương ở Việt Nam trong giai đoạn 1960-1984 là hướng tới mục tiêu chiếu cố toàn diện, cân nhắc kỹ lưỡng giữa yêu cầu và khả năng, kết hợp nguyên tắc với thực tế để vận dụng đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động vào tình hình thực tế đất nước (...), chống chủ nghĩa bình quân, phải chống xu hướng đòi công bằng hợp lý một cách tuyệt đối, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước(2).

Cải cách tiền lương giai đoạn 1985-1992

Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc ban hành Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8  khóa V (tháng 6/1985) và Nghị định số 235/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng Về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang đã dẫn đến một cuộc cải cách lớn về giá - lương - tiền, mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước. Nghị định số 235 quy định thang, bảng lương đối với công nhân, nhân viên, cán bộ quản lý xí nghiệp, công ty và bảng lương chức vụ đối với cán bộ, viên chức trong các tổ chức sự nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Nguyên tắc hưởng lương là làm công việc gì, chức vụ gì thì hưởng lương theo công việc, chức vụ đó. Tại điều Điều 2, Nghị định số 235 quy định: mức lương tối thiểu là 220 đồng một tháng. Mức lương này ứng với mức giá ở những vùng có giá sinh hoạt thấp nhất hiện nay. Khi nào mức giá thay đổi hoặc ở những vùng có giá sinh hoạt cao hơn thì tiền lương được tính thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt. Lương tối thiểu dùng để trả công cho những người làm công việc lao động giản đơn nhất và với điều kiện lao động bình thường. Mức lương tối thiểu là cơ sở để định các mức lương cấp bậc hoặc lương chức vụ(3). Bảng lương chức vụ được thiết kế theo quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa là 1 - 1,32 - 3,5. Theo đó, nhân viên phục vụ bậc 1 có mức lương là 220 đồng, kỹ sư bậc 1 có mức lương 290 đồng, những người giữ chức vụ tương đương Bộ trưởng có mức lương là 770 đồng(4).

Tính đến tháng 9/1985, tiền lương của người lao động tăng 64%. Tuy nhiên, với nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tổng thu nhập quốc dân tính trên đầu người thấp, tình trạng lạm phát đã làm giá trị của đồng lương sụt giảm nhanh chóng và mức trả lương không đánh giá đúng giá trị thực tế sức lao động của người lao động. Mặt khác, năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu, đòi hỏi tiền lương tối thiểu phải có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Do đó, ngày 28/12/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 202-HĐBT Về tiền lương công nhân, viên chức sản xuất kinh doanh khu vực quốc doanh và công tư hợp doanh và Quyết định số 203-HĐBT về tiền lương công nhân, viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Theo đó, tiền lương tối thiểu được nâng lên 22.500 đồng/tháng.

Năm 1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đây ở Việt Nam xuất hiện thêm thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Do mới bước đầu hội nhập nên so với lao động làm việc trong các doanh nghiệp trong nước thì lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phải chịu áp lực cao, đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cường độ lao động cao hơn. Để đánh giá đúng giá trị sức lao động mà người lao động bỏ ra và bảo đảm sự công bằng, đòi hỏi phải có quy định riêng về tiền lương tối thiểu cho lao động làm việc ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ngày 29/8/1990, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 356/LĐTBXH/QĐ về mức lương tối thiểu của người lao động trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 50 USD/tháng.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, tuy nhiên có thể khẳng định chính sách cải cách tiền lương của Việt Nam trong giai đoạn 1985-1992 đã có tiến bộ đáng kể trong việc quy định về tiền lương tối thiểu; đã có sự phân định về tiền lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước và các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo sự công bằng trong việc trả công cho người lao động.

Cải cách tiền lương giai đoạn 1993-2002

Giai đoạn này được đánh dấu bằng các văn bản: Nghị định số 26/CP quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp; Nghị định số 25/CP quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính - sự nghiệp và lực lượng vũ trang của Chính phủ ban hành ngày 23/5/1993; Bộ luật Lao động (1994); Nghị định số 197/CP ngày 31-12-1994 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương; Thông tư số 11/LĐTBXH-TT ngày 3/5/1995 hướng dẫn Nghị định số 197/ CP...

Sau biến cố ở Đông Âu và Liên Xô, nền kinh tế nước ta hết sức khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao (năm 1990 là 70%, năm 1991 là 67,5% và năm 1992 là 16,7%). Do vậy, chính sách tiền lương ở Việt Nam mất dần ý nghĩa trong sản xuất và đời sống xã hội. Tiền lương không đảm bảo đời sống của người lao động và được tiền tệ hóa ở mức thấp. Việc đổi mới chính sách tiền lương không được tiến hành đồng bộ càng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn trong bản thân chính sách tiền lương, tạo ra những mâu thuẫn tiêu cực trong phân phối thu nhập và vi phạm nghiêm trọng công bằng xã hội. Trước tình hình đó, Nghị định số 25/CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu năm 1993 là 120.000 đồng/tháng, làm căn cứ để tính các mức lương khác của hệ thống bảng lưởng, mức phụ cấp lương và trả công đối với người làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Một trong những đặc điểm của chính sách tiền lương ở Việt Nam trong giai đoạn này là mức lương tối thiểu thường xuyên được điều chỉnh tăng lên. Một trong những lý do là do sự tác động của quy luật cung - cầu, giá cả, cạnh tranh đòi hỏi tiền lương tối thiểu liên tục được nâng lên. Từ năm 1993 đến đầu những năm 2000, nền kinh tế liên tục tăng trưởng nhanh (trung bình khoảng 8 đến 9%/năm) trong khi tiền lương vẫn không thay đổi nên giá trị tiền lương trên thực tế bị giảm sút. Do đó, ngày 21/1/1997, Chính phủ ra Nghị định số 06/CP về việc giải quyết tiền lương và trợ cấp năm 1997 đối với công chức, viên chức hành chính - sự nghiệp, người nghỉ hưu, nghỉ mất sức, lực lượng vũ trang cán bộ xã, phường và một số đối tượng hưởng chính sách xã hội. Theo đó, nâng mức lương tối thiểu lên 144.000 đồng/tháng. Tiếp đến, ngày 15/12/1999, Chính phủ ra Nghị định số 175/1999/NĐ-CP Về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc nguồn ngân sách nhà nước, với mức lương tối thiểu là 180.000 đồng/tháng. Đồng thời, để bảo vệ cho người lao động khu vực doanh nghiệp tư nhân, ngày 27/3/2000, Chính phủ ra Nghị định số 10/2000/NĐ-CP Về việc quy định tiền lương tối thiểu trong các doanh nghiệp với mức tiền lương tối thiểu là 180.000 đồng/tháng. Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 708/1999/QĐ-BLĐTBXH quy định mức lương tối thiểu cho lao động trong khu vực này là 417.000 đồng - 626.000 đồng/tháng tùy thuộc vào địa phương và đặc trưng của từng ngành nghề. Ngày 15-12-2000, Chính phủ ra Nghị định số 77/2000/NĐ-CP Về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí, với mức lương tối thiểu là 210.000 đồng/tháng.

Mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam trong giai đoạn 1993-2002 là phải làm cho tiền lương trở thành thước đo giá trị sức lao động, áp dụng ở mọi thành phần kinh tế có quan hệ lao động theo thị trường. Đặc biệt, tiền lương tối thiểu phải thực sự là “lưới an toàn” cho người lao động, đảm bảo cho họ duy trì được mức sống tối thiểu cần thiết và tái sản xuất sức lao động; đáp ứng yêu cầu tiền tệ hóa tiền lương, dần thay thế và tiến tới xóa bỏ chế độ phân phối hiện vật có tính chất tiền lương. Những thành công và hạn chế của cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 1993-2002 đặt nền móng cho việc hoàn thiện các quy định về tiền lương dựa trên cơ sở có quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động; tạo sự cạnh tranh giữa những người lao động và điều kiện cho sự phát triển thị trường lao động; tách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp; tách dần chính sách tiền lương với chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Việc Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động, (1994) đã xác lập: tiền lương tối thiểu đã được ghi nhận một cách đầy đủ, toàn diện trong văn bản pháp lý có hiệu lực cao là Bộ luật. Bộ Luật Lao động góp phần tạo nên trật tự cho các quan hệ xã hội trong lĩnh vực lao động thay đổi theo hướng tích cực và hội nhập với thế giới.

Cải cách tiền lương giai đoạn 2003-2020

Giai đoạn này được đánh dấu bằng các văn bản: Nghị quyết số 09/2002/QH11 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2003; Nghị quyết số 14/2002/QH11 về nhiệm vụ năm 2003; Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/1/2003 Về điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 Về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Điều 3, Khoản 2 Nghị đinh số 204/NĐ-CP quy định: Việc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ quan, đơn vị(5). Theo đó, tiền lương phải được thay đổi một cách toàn diện với tất cả các đối tượng lao động; với mức lương tối thiểu là 310.000 đồng/tháng. Tiếp đó, ngày 15/9/2005, Chính phủ ra Nghị định số 118/2005/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 350.000 đồng/tháng. Để cụ thể hóa chính sách tiền lương mới trong khu vực doanh nghiệp, ngày 4/10/2005, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra Thông tư số 25/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh tiền lương và phụ cấp lương trong doanh nghiệp theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP. Để đảm bảo đời sống của người lao động, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Chính phủ ra Nghị định số 03/2006/NĐ-CP ngày 6/1/2006 Quy định về mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngày 7/9/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2006/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, nâng mức lương tối thiểu chung lên 450.000 đồng/tháng.

Điểm nhấn của cải cách chính sách tiền lương giai đoạn này là từ năm 2009, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng dựa trên mức lương tối thiểu chung dành riêng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 và Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7  khóa XI , nước ta đã từng bước hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đã thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực; không ban hành mới các chế độ phụ cấp theo nghề, triển khai xây dựng danh mục vị trí việc làm tạo cơ sở cho việc trả lương(6). Đồng thời từ năm 2013, tiền lương tối thiểu để tính lương cho người lao động ở khu vực công được đổi thành mức lương cơ sở. Ngày 9/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó có nội dung tăng mức lương cơ sở tối thiểu trung bình 7%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến ngày 01/7/2018, mức lương cơ sở của người lao động trong khu vực công đạt 1.390.000 đồng/tháng. Đối với khu vực doanh nghiệp, mức lương tối thiểu vùng I là 3.980.000 đồng/tháng; vùng II là 3.530.000 đồng/tháng; vùng III là 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV là 2.760.000 đồng/tháng. Đây là một trong những nội dung nổi bật của chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2003-2020.

Có thể khẳng định từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện chế độ tiền lương trên cơ sở mở rộng quan hệ tiền lương, thu gọn một bước hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Với quy trình thực hiện cải cách theo nhiều bước, các quy định về tiền lương của giai đoạn 2003-2020 có xu hướng đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ; vừa không tạo ra gánh nặng cho quỹ lương của Nhà nước và người sử dụng lao động, đảm bảo tính hợp lý và hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ lao động. Tuy nhiên, thực chất của cải cách chính sách tiền lương trong giai đoạn này vẫn dựa trên cách tính lương năm 1993, chỉ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mở rộng quan hệ tiền lương, tách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực chi từ ngân sách nhà nước... Vì vậy, chính sách tiền lương của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập so với nhu cầu của thực tiễn phát triển đất nước. Điều này đặt ra yêu cần một cuộc cải cách chính sách tiền lương toàn diện, đồng bộ; dựa trên nhu cầu của thực tiễn, bằng chứng khoa học thuyết phục.

Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước ta cũng xác định những mục tiêu cơ bản để cải cách chế độ tiền lương giai đoạn sau năm 2020, thể hiện ở 8 nội dung sau:

 (1) Tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang: Từ năm 2018 đến 2020, tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp. Đối với người lao động trong doanh nghiệp, điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Từ năm 2021, vẫn tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo định kỳ; (2) Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được thiết kế theo cơ cấu mới, gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp); 3) Xây dựng bảng lương mới theo vị trí, chức vụ, gồm 5 bảng lương: 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với chức vụ lãnh đạo; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an; (4) Bãi bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương và xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể; (5) Thực hiện chế độ hợp đồng lao động với những người làm công việc thừa hành, phục vụ; (6) Bãi bỏ và gộp nhiều loại phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức, như: thâm niên nghề; chức vụ lãnh đạo; công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; công vụ; phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, gộp các phụ cấp sau: phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; (7) Bãi bỏ nhiều khoản chi ngoài lương: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo...; (8) Doanh nghiệp được hoàn toàn tự quyết chính sách tiền lương. Theo đó, doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương và trả lương cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu. Nhà nước chỉ công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động mà không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp(7).

2. Một số nhận xét về các đợt cải cách tiền lương ở nước ta vừa qua

Thứ nhất, từ việc phân tích các giai đoạn cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam có thể nhận thấy quá trình phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận về chính sách tiền lương của Đảng và Nhà nước Việt Nam: từ chỗ chỉ bó  hẹp trong khu vực Nhà nước và phụ thuộc vào ngân sách sang thực hiện đồng bộ ở cả hai khu vực: nhà nước và doanh nghiệp; từ chỗ chỉ quan tâm đến vấn đề cải thiện mức lương tối thiểu cho người lao động sang đổi mới chính sách tiền lương một cách toàn diện; từ chỗ xuất phát từ yếu tố chủ quan, duy ý chí chính trị và đạo đức đến ngày càng phù hợp hơn với các quy luật, nguyên tắc thị trường, với tăng năng suất lao động, kết quả lao động và nguồn lực tài chính; cũng như có tính đến các yếu tố về đạo đức và xã hội; từ chỗ cải cách chính sách tiền lương mang tính đơn lẻ, độc lập hướng đến cải cách đồng bộ, toàn diện gắn với những vấn đề/chính sách có liên quan của thể chế chính sách; từ chỗ thực hiện mang tính bị động/đối phó/chạy theo và thực hiện ngay lập tức sang thực hiện mang tính dự báo/chủ động/tích cực và thực hiện theo lộ trình; từ chỗ coi chính sách tiền lương là vấn đề thuần túy có tính chất chi phí nguồn lực sang là vấn đề đầu tư cho phát triển bền vững. Đối với khu vực doanh nghiệp, Nhà nước giảm dần sự can thiệp hành chính, quản lý tiền lương thông qua quy định mức lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế. Thay đổi cơ chế xác lập mức lương tối thiểu vùng, từ ấn định của Nhà nước sang dựa trên kết quả thương lượng 3 bên(8).

Thứ hai, từ thực tiễn cải cách chính sách tiền lương, nhất là từ giai đoạn từ 1992 đến nay cho thấy những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm quan tâm và có nhiều cố gắng trong việc cải cách tiền lương cho người lao động, kể cả những giai đoạn đất nước có chiến tranh, bị bao vây cấm vận. Thực tế Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương, hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực...(9).

Thứ ba, mặc dù những kết quả đạt được trong cải cách tiền lương giai đoạn từ năm 2002 đến nay là rất đáng kể, tuy nhiên so với nhu cầu của người lao động, yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, chính sách tiền lương vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế ở cả hai khu vực: nhà nước và doanh nghiệp. Với rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, những hạn chế này không dễ khắc phục một sớm một chiều. Tuy nhiên, chính điều này càng đặt ra yêu cầu, quyết tâm chính trị và sự kỳ vọng lớn đối với chương trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27 khóa XII của Đảng trong giai đoạn sau năm 2020. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cải cách tiền lương trong giai đoạn này, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và có sự tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả của tất cả các chủ thể có liên quan thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII ở Việt Nam hiện nay là một cuộc cải cách mang tính cách mạng, toàn diện, đồng bộ và có tính khả thi cao. Nó là một yêu cầu tất yếu, khách quan trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Khác với những cuộc cải cách về tiền lương trước đây, cuộc cải cách tiền lương này có nhiều cơ sở thuyết phục về lý luận và thực tiễn, cũng như lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp; chúng ta có thể thấy được trước về khả năng thành công của nó. Trên cơ sở đó, góp phần quan trọng tạo ra động lực thực sự để người lao động trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp cống hiến, sáng tạo và phát triển đất nước bền vững.

TS. Đỗ Văn Quân - Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS. Lê Trung Kiên - Trường Chính trị Kiên Giang

--------------------------------------

(1) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

(2) Hội đồng Chính phủ: Nghị định 25/CP  ngày 5-7-1960, quy định chế độ lượng thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, Hội đồng Chính phủ, 1960, https://thuvienphapluat.vn.

(3), (4) Hội đồng Bộ trưởng: Nghị định số 235/NĐ-HĐBT ngày 18-9-1985 về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, https://thuvienphapluat.vn.

(5) Chính phủ: Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày  14-12-2004, Về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, https://thuvienphapluat.vn.

(6), (7) Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Kết luận số 63-KL/TW ngày 27-5-2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, http://dangcongsan.vn.

(8), (9) Vương Đình Huệ: “Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, 2018. http://tapchitaichinh.vn.

(lyluanchinhtri)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • Albert Antoine - Nhân sự trong chuyển đổi số
    • Vietnam CEO Forum 2018   Chuyên đề 1  Đại cơn sóng công nghệ toàn cầu  Cơ hội & thách thức
    • Sử Dụng Tiền Lương Tiền Thưởng Có Hiệu Quả - PGS.TS TRẦN KIM DUNG - phần 3
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38945
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 7851
  • Liên kết đối tác
    • Phan mem JED
    • Cac chuong trinh dao tao