BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp theo cơ chế thị trường

(Cập nhật: 10/26/2018 10:22:29 AM)

Quan điểm chung của cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh là phải coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, là động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và phát triển bền vững.

Chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, có liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người lao động. Thực hiện chính sách tiền lương đúng không chỉ trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội mà còn thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, phát triển thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong nền kinh tế thị trường, đối với khu vực sản xuất, kinh doanh, tiền lương là giá cả của sức lao động, được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động, phù hợp với quan hệ cung - cầu sức lao động trên thị trường và đảm bảo tuân thủ quy định về tiền lương của pháp luật. Đối với người sử dụng lao động (doanh nghiệp), tiền lương là một bộ phận cấu thành chi phí sản xuấ kinh doanh. Vì vậy, tiền lương được tính toán và quản lý chặt chẽ. Đối với người lao động, tiền lương là bộ phận thu nhập từ quá trình lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống, khả năng tái sản xuất sức lao động của họ. Phấn đấu nâng cao tiền lương trên cơ sở nâng cao năng suất lao động là mục đích của cả doanh nghiệp và người lao động. Mục đích này tạo động lực để phát triển doanh nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và khả năng lao động của người lao động, góp phần phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Đây cũng chính là điểm hội tụ của những lợi ích (trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài) của người lao động, doanh nghiệp và nhà nước.

Quá trình hình thành và phát triển các quan điểm về tiền lương, phân phối tiền lương nói chung và trong khu vực sản xuất kinh doanh gắn liền với sự hình thành và phát triển quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể khái quát quan điểm của Đảng về tiền lương đối với khu vực sản xuất kinh doanh trên các nội dung chủ yếu sau:

(1) tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật thị trường, dựa trên cung - cầu lao về sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức độ cạnh tranh việc làm;

(2) coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động để kinh tế phát triển;

(3) phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản suất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội;

(4) bảo đảm quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc xác định, quyết định tiền lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Đảng ta cũng xác định: “Chính sách tiền lương phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa góp phần hình thành thị trường lao động lành mạnh, thu hút được lao động có chất lượng cao vào những khu vực quan trọng của nhà nước và xã hội”

Thể chế quan điểm của Đảng, chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh được ban hành và ngày càng hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; cụ thể:

(1) Nhà nước quy định mức lương tối thiểu để bảo vệ lao động yếu thế trong thị trường lao động, chống bần cùng hóa lao động;

(2) người sử dụng lao động (doanh nghiệp) có quyền xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định và quyết định hình thức trả lương, chế độ trả lương, sau khi thỏa thuận với người lao động đảm bảo tuân thủ các quy định tiêu chuẩn về tiền lương theo pháp luật lao động;

(3) người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tiền lương gắn với công việc và điều kiện làm việc; tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc đã thỏa thuận, bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

(4) Nhà nước - với vai trò quản lý vốn sở hữu nhà nước có chính sách tiền lương riêng đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần nhà nước chiếm cổ phần chi phối.

Xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp theo cơ chế thị trường - Ảnh 2Cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh là phải coi việc trả lương đúng cho người lao động 

Có thể thấy chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp đã từng bước được đổi mới theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước. Trong bối cảnh thương lượng về tiền lương còn hạn chế, Nhà nước quy định hệ thống tiền lương tối thiểu, quy định nguyên tắc chung để doanh nghiệp xây dựng và ban hành thang, bảng lương, định mức lao động và tạo hành lang pháp lý để tổ chức đại diện của người lao động tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và giám sát thực hiện chính sách tiền lương trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định người sử dụng lao động được quyền tự chủ trong việc phân phối, trả lương đúng với số lượng, chất lượng lao động của người lao động đóng góp vào doanh nghiệp; người sử dụng lao động phải đảm bảo trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động, người sử dụng lao động, tránh bất bình đẳng trong phân phối tiền lương.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, nhà nước quy định các tiêu chí, điều kiện và giao cho doanh nghiệp xác định, quyết định tiền lương trả cho người lao động gắn với năng suất lao động, lợi nhuận theo nguyên tắc năng suất lao động, lợi nhuận tăng thì tiền lương tăng, năng suất lao động, lợi nhuận giảm thì tiền lương giảm; tách riêng tiền lương của viên chức quản lý với người lao động và gắn chặt hơn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và trách nhiệm quản lý, điều hành; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sắp xếp tổ chức lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống người lao động.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa thực sự đạt được như mong muốn khi: độ bao phủ của mức lương tối thiểu còn thấp, thực hiện chức năng bảo vệ người lao động còn hạn chế; Việc xác định mức lương tối thiểu vùng thông qua Hội đồng tiền lương quốc gia là bước tiến bộ trong chính sách, tuy nhiên chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu thành phần, quy chế hoạt động của Hội đồng còn bất cập; doanh nghiệp chưa thực sự được tự chủ, quyết định chính sách tiền lương; cơ chế thương lượng về tiền lương giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc với tổ chức đại diện người lao động chưa được phát huy, tranh chấp lao động về tiền lương còn phổ biến; tiền lương chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối trong kinh tế thị trường, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chưa tách bạch được vai trò quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước trong vấn đề tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, tiền lương chưa thực sự gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước.

Những hạn chế trên một phần xuất phát từ  nguyên nhân khách quan: về cơ bản, nước ta vẫn là một nước nghèo, quy mô của nền kinh tế còn nhỏ bé, doanh nghiệp phần lớn là quy mô vừa và nhỏ, năng suất thấp phải thực hiện chính sách tiền lương thấp trong một thời kỳ dài để thu hút đầu tư cũng như duy trì, phát triển các doanh nghiệp trong nước. Nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, hội nhập kinh tế quốc tế, cho nên cơ chế, chính sách nói chung và chính sách tiền lương nói riêng cũng trong quá trình đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, cũng có nguyên nhân chủ quan phải kể đến đó là: từ nhận thức đến hành động chưa theo kịp với thực tiễn phát triển nhanh chóng thời gian qua, đặc biệt còn ảnh hưởng của chính sách tiền lương thời kế hoạch hóa tập trung bao cấp trước đây, nhất là tư tưởng bình quân, cào bằng; có sự ràng buộc nhất định về chính sách giữa các khu vực, nhất là quá trinh cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực hành chính còn chậm; năng lực thương lượng về tiền lương của người lao động còn yếu; hệ thống thông tin tiền lương còn thiếu, chưa hỗ trợ có hiệu quả thương lượng, tiền lương; ý thức chấp hành pháp luật hạn chế. Đối với doanh nghiệp nhà nước còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bảo hộ trong suốt thời gian dài; quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới; chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị của chủ sở hữu vốn nhà nước.

Việt Nam đang có những cơ hội tốt để duy trì ở mức tăng trưởng hợp lý trong ngắn hạn và tăng trưởng ở mức cao hơn trong dài hạn nhờ vào vị thế địa kinh tế và địa chính trị của mình. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại toàn cầu sẽ mang lại những tác động tích cực về thương mại, đầu tư, qua đó có tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức và từ khu vực việc làm có thu nhập thấp sang việc làm có thu nhập cao hơn trong khu vực chính thức. Tuy nhiên, những yếu kém của nền kinh tế còn nhiều, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động còn hạn chế...; trong khi đó trên thế giới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, phương thức, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động; người máy và những tiến bộ công nghệ cũng có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề về bất bình đẳng xã hội, trong đó có bất bình đẳng về tiền lương, thu nhập; khoảng cách giữa năng suất lao động và tiền lương cũng sẽ trở lên lớn hơn. Bên cạnh một số quốc gia xu hướng quay về với bảo hộ trong nước là toàn cầu hoá vẫn có xu thế gia tăng. Để khai thác tối đa những lợi thế của quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam cần phải có đầu tư dài hạn nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật cho các thế hệ tiếp theo mà đi kèm với nó là chính sách tiền lương, thu nhập hợp lý.

Quan điểm chung của cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh là phải coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, là động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và phát triển bền vững. Theo đó:

(1) Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật của thị trường, dựa trên cung – cầu sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức độ cạnh tranh về việc làm trên thị trường lao động và có sự quản lý của nhà nước.

(2) Thực hiện nguyên tắc tiền lương gắn với năng suất lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh. Phân phối tiền lương trong doanh nghiệp phải đảm bảo mối quan hệ hài hòa về lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động, giưa ngán hạn với dài hạn.

(3) Phân phối tiền lương phải góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công trên cơ sở hình thành cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận và tự định đoạt về tiền lương.

(4) Thống nhất cơ chế tiền lương, cũng như các khoản đóng góp cho an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm việc làm, bảo hiểm y tế...) giữa các loại hình doanh nghiệp, mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự của doanh nghiệp trong việc xếp lương, xác định tiền lương, trả lương cho người lao động.

(5) Cùng với tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng lao động, cải thiện quan hệ cung cầu lao động, từng bước thực hiện chính sách tiền lương cao để đảm bảo người lao động có tích lũy từ tiền lương và mở rộng cơ hội cho họ mua cổ phần trong doanh nghiệp.

Với mục tiêu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chính sách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhằm từng bước cải thiện đời sống của người lao động; thực hiện công bằng trong phân phối tiền lương và thu nhập trong các loại hình doanh nghiệp; phát huy tối đa động lực của tiền lương cho phát triển doanh nghiệp bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới, các nội dung cần tiếp tục hoàn thiện đó là:

1. Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu; quy định mức lương tối thiểu theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt cho thị trường lao động; định kỳ xem xét, công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở mức sống tối thiểu của người lao động, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động, khả năng của nền kinh tế; rà soát, phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu phù hợp với sự phát kinh tế xã hội và thị trường lao động của từng vùng; hoàn thiện quy trình công bố mức lương tối thiểu nhằm bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong quá trình thực hiện; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng.

2. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ, quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng gắn với năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương (bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương) gắn với chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; từng bước tiến tới thực hiện giao khoán chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn với kết quả và hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp. Tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước (Hội đồng thành viên, kiểm soát viên) với tiền lương của Ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận do đầu tư vốn nhà nước mang lại. Ban điều hành (Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp, trong đó có khống chế mức lương tối đa theo kết quả sản xuất kinh doanh và mức tiền lương bình quân chung của người lao động. Thực hiện công khai tiền lương, thu nhập hàng năm của người đại diện vốn nhà nước và Tổng giám đốc DNNN.

Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước: Nhà nước quy định nguyên tắc xác định quỹ lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: để người đại diện phần vốn nhà nước tham gia biểu quyết, quyết định trong Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên.

Đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao thì tính toán, xác định để loại trừ làm cơ sở xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp dịch vụ công ích, Nhà nước tính đủ chi phí tiền lương phù hợp với  mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích.

4. Nhà nước điều tiết tiền lương, thu nhập thông qua các công cụ quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động, người lao động và Nhà nước, hướng tới công bằng xã hội.

(molisa.gov.vn)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • Để Tối Ưu Hóa Vai Trò của Nhân Sự
    • Albert Antoine - Nhân sự trong chuyển đổi số
    • Sử Dụng Tiền Lương Tiền Thưởng Có Hiệu Quả - PGS.TS TRẦN KIM DUNG - phần 3
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38945
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 7851
  • Liên kết đối tác
    • Phan mem JED
    • Cac chuong trinh dao tao